Hòa bình, độc lập, tự do" là ba từ thiêng liêng mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng mấy ngàn năm lịch sử gian khổ và hào hùng. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã lập được nhiều kì tích trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, ghi vào kho sử vàng dân tộc nhiều chiến công hiển hách. Những chiến công đó mãi là niềm tự hào của con dân đất Việt. Vì thế, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã ghi dấu những ngày lễ trọng đại của dân tộc. Một trong những ngày lễ trọng đại đó là ngày 22/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hòa chung không khí
của cả nước chào mừng 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
(22/12/1944 - 22/12/2020) thư viện trường xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn
cuốn sách 35 năm và 7 ngày của Nxb Kim đồng.
35 năm là thời gian mà cuốn nhật ký của nữ Liệt
sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm âm thầm nơi xứ người, 7 ngày là thời gian để cuốn nhật
ký xuất hiện và làm rung động bao trái tim người Việt.
Cuốn nhật ký đã tạo nên một cơn sốt khắp đất nước,
nhưng còn rất ít người biết được những câu truyện đằng sau cuốn nhật ký đó. Để
đáp ứng nhu cầu trên, NXB Kim Đồng phối hợp với báo Lao Động giới thiệu cuốn
sách 35 năm và 7 ngày.

Cuốn sách " 35 năm và 7 ngày" tác giả Đặng Thùy Trâm- Nhà xuất bản Kim Đồng
Sách chứa đựng những cuộc trao đổi riêng cả trực
tiếp lẫn bằng e-mail của một nữ phóng viên Việt Nam với cựu lính quân báo Mỹ
Fred Whitehurst, qua đó thấy rõ hơn đời thường cũng như những tâm tư tình cảm của
Fred khi mang cuốn nhật ký về lại Việt Nam. Sách còn có thêm những câu
chuyện chưa kể của chị Đặng Kim Trâm và những tấm ảnh chưa từng công bố về cuốn
nhật ký. Cũng trong cuốn sách này còn có một góc nhìn về chiến tranh của một số
văn nghệ sĩ. Sách 35 năm và 7 ngày tập trung kể về 2 người Mỹ với cái
tên gần đây đã trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam : Fred (Frederic
Whitehurst ) và Rob (Robert Whitehurst). Họ đã đi cùng cuốn Nhật ký kỳ lạ suốt
một chặng dài 35 năm và cần có thêm 7 ngày để kết thúc hành trình đó. Lần đầu
tiên Fred (cùng Rob) trở về cái nơi mà ông từng là kẻ xâm lược, tiếp tục đi tìm
câu trả lời cho lương tri và cho một thế hệ quân nhân Mỹ vẫn không thôi ám ảnh
trước những cơn ác mộng về cuộc chiến mà họ đã tham gia ở một đất nước nhỏ bé
cách xa họ tới nửa vòng trái đất. Những người đã gặp, những vùng đất đã ghé
thăm, sự rộng lượng, lòng vị tha của phía bên kia đã thực sự làm họ kinh ngạc
và xúc động. Và đúng như Fred hình dung Chiếc ba lô đựng đầy kỷ niệm bật ra và
nhấn chìm tôi trong nước mắt. Cựu quân nhân, nhân viên FBI, rồi luật sư Fred bỗng
trở thành người mau nước mắt khi đến thăm gia đình chị Trâm, tới ngôi trường
Chu Văn An, ngồi vào chỗ của chị Trâm ngày còn đi học, thắp hương lên bàn thờ
liệt sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá, về lại chiến trường ác liệt Đức Phổ. Tôi nhận
ra cuộc sống vẫn tiếp diễn cho dù chiến tranh đã đi qua nơi đây và làm chúng ta
phải đau đớn quá nhiều. Tôi cảm thấy đất đai ở đây như đang cười nhạo tôi và Trở
lại Việt Nam, mong muốn của tôi là mang trái tim tôi trở về, nhưng hoá ra, nó vẫn
luôn ở lại với Đức Phổ - nơi còn đẹp hơn cả những gì tôi có thể nhớ và hằng tưởng
tượng... Cùng với chuyến trở về của Fred,
cuốn sách hé mở những thông tin phong phú về cái người Mỹ kỳ lạ đã giữ một cuốn
nhật ký vô danh nhiều năm trong sự ăn năn, ám ảnh về quá khứ cùng sự khâm phục
trước người phụ nữ anh hùng mà ông ta chưa hề biết đến. Qua những bức thư, hồi ức,
phỏng vấn, chuyện kể của PV Mỹ Hằng và chị Đặng Kim Trâm (em gái liệt sĩ Đặng
Thuỳ Trâm) người đọc sẽ tìm được câu trả lời về một câu chuyện gần như hoang đường,
nhưng thật hơn cả sự thật về cuộc phiêu lưu của Nhật ký. Chuyến đi 7 ngày của
Fred đến Việt Nam đã có một kết thúc có hậu cho dù Fred khiêm tốn tự nhận Tôi
chỉ là một con lạc đà chuyên chở cuốn nhật ký của chị (Đặng Thuỳ Trâm), để tình
yêu thương của chị, lòng can đảm của chị, được trở về.
Trong
cuộc hành trình 35 năm lưu lạc của Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm còn có 48 bức ảnh của
liệt sĩ Nguyễn Văn Giá. Sự ngẫu nhiên thú vị ở đây là, chính cuốn nhật ký đã
đóng vai trò tích cực, giúp tìm ra chủ nhân của những bức ảnh. Nhưng sự ngẫu
nhiên này là kết quả tất yếu từ sắp xếp bất ngờ của số phận và những tấm lòng
nhân ái. Anh Giá và chị Trâm cùng chiến đấu trên địa bàn Đức Phổ. Anh đã từng
chụp một số ảnh chị Trâm và những bức ảnh đó thuộc số những thước phim anh chụp
không lâu trước lúc hy sinh, và trước khi 2 cuộn phim cuối cùng lọt vào tay
Fred.
Cùng với 7 ngày và 35 năm, phần cuối cuốn sách tập
hợp dư âm và đồng vọng xung quanh cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm và những
bức ảnh của anh Nguyễn Văn Giá với sự có mặt của một số email, lưu bút, trả lời
phỏng vấn của nhà văn Vương Trí Nhàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà sử học Dương
Trung Quốc... Người đọc có cảm giác hơi ôm đồm khi nhiều thể loại của báo viết
được dồn vào trong cùng một cuốn sách. Phải chăng vì thế mà nó thời sự hơn,
nhưng lại thiếu đi độ lắng cần thiết ? Thật ra đây cũng là đòi hỏi hơi khắt khe
đối với một cuốn sách được làm trong thời gian ngắn, khoảng 20 ngày, để kịp thời
phục vụ bạn đọc. Bởi vì người đọc còn gặp khá nhiều trang viết cảm động về tình
người, về lòng vị tha... đã giúp hoá giải hận thù, tha thứ cho tội lỗi, cứu rỗi
những tâm hồn khỏi ám ảnh và mặc cảm kinh hoàng trong quá khứ. Bạn đọc có thể sẽ tiếp tục ngạc nhiên về khả năng thể
hiện chính xác, sinh động và sâu sắc suy nghĩ, ý tưởng, tình cảm của Fred, điều
thường chỉ có ở các nhà văn. Mà Fred có thể là một nhà văn lắm chứ, tại sao
không ? Gia đình Trâm đã dành cho Rob và tôi một món quà thật đẹp : Họ nhận anh
em tôi làm thành viên trong gia đình... Tôi đã bắt đầu hiểu rằng Việt Nam là một
đất nước phi thường. Điều phi thường nhất là tình yêu. Quả thật là phi thường
khi ai đó có thể yêu thương như gia đình mới của tôi...
Truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị
mà chúng ta không có quyền quên và phải ghi nhớ suốt đời. Đó là hành trang tư
tưởng của mỗi đoàn viên, thanh niên trong học tập và rèn luyện. Noi gương các
anh hùng liệt sỹ chúng ta hôm nay phải biến truyền thống yêu nước và cách mạng
trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thành bản lĩnh và ý chí Việt Nam để chiến
thắng nghèo nàn, lạc hậu. Đất nước đang trên đường đổi mới, thế hệ chúng ta hôm
nay thật vinh dự là lớp người tiên phong tiếp tục trên mặt trận xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo,
tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, không ngừng học
tập, ra sức rèn đức luyện tài để kế thừa con đường xây dựng quê hương đất nước
ngày càng giàu mạnh; để đền đáp công ơn, sự hi sinh của các thế hệ cha anh. Tuổi
trẻ cả nước chúng ta nguyện sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống mà thế hệ đi trước
đã thắp lên, sẽ là những anh Nguyễn Văn Thạc, bác sĩ Đặng Thùy Trâm của đất nước
trong thời bình, sẽ giữ vững nền độc lập, hòa bình mà thế hệ cha anh đã mạng lại
và góp phần xây dựng đất nước Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm
châu như điều Bác Hồ hằng mong ước. Đó là cách để hướng đến lý tưởng cao đẹp,
hành động chân chính góp phần đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng
đáng với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ và vì hạnh phúc trường tồn của dân
tộc.
Các bạn thân mến! cuốn sách đang có ở
thư viện trường mời các bạn đón dọc nhé. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!