Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có những làn điệu dân ca đặc trưng thể hiện dưới hình thức văn nghệ dân gian, đậm đà bản sắc văn hoá, được nâng niu và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nói đến di sản văn hóa của mảnh đất Quảng Bình, hò khoan Lệ Thủy là đặc sản, là giá trị văn hóa đặc sắc.
Hò khoan Lệ Thủy gắn với đời sống của cư dân sông nước Quảng Bình.
1. Làn điệu dân ca Lệ Thủy là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người, gồm có 9 làn điệu (còn gọi là 9 mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).
Người Quảng Bình kể rằng, trước đây, người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, quết vôi nện cươi (nện sấn) và nện móng xây dựng đền chùa với ngụ ý cầu mong cho cuộc sống vững chãi, bốn bề gia thất yên ổn, quê hương gia đình ấm no. Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng, nhằm an ủi mình trước cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mong ước cuộc sống no ấm, sung túc.
Hò mái ba lúc chèo đò, chèo nôốc đưa đám để cầu mong cho đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, con đàn cháu đống. Hò khơi khi đánh cá và hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, khi kéo gỗ. Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hai bên nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc đêm đêm hát đối đáp thi giữa các làng, có khi là cùng một làng nhằm kết tình hữu hảo, có khi là tìm bạn tình.
Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc.
Như vậy có thế thấy, hò khoan Lệ Thủy là một thể loại dân gian độc đáo phản ánh mọi mặt của cuộc sống. Từ tình yêu trai gái, quan hệ vợ chồng, bàn bè... đến các hoạt động khác trong xã hội như: Hò chủ tớ, lính mộ, hò sản xuất, địch vận, hò thợ mộc, thợ nề, thợ may, nậu săm, lỉa trâu...
Nó mang tính nhân đạo, tính chiến đấu, tính nhân văn và sự bình đẳng trong xã hội không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán... Nghèo mà hò hơn giàu, tớ mà hò hơn chủ càng được tôn trọng, được tán thưởng, thể hiện tính chân, thiện, mỹ trong cuộc sống con người đời thường.
2. Hò khoan Lệ Thủy có nét độc đáo ở một vùng quê chiêm trũng “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng”. Từ trong cuộc sống lao động sản xuất, hò khoan Lệ Thủy đã làm đời sống văn hóa của người dân Quảng Bình được bồi đắp, góp phần làm giàu di sản văn hóa quê hương. Sau một thời gian tưởng chừng những điệu hò khoa Lệ Thủy thưa vắng dần có nguy cơ mai một, thì mới đây, sức sống của hò khoan đã trỗi dậy, trong đời sống cũng như bước lên sân khấu.
Đặc biệt, tháng 3 năm nay, tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”. Theo đó, những người yêu mến điệu hò khoan có dịp thưởng thức tại “Không gian văn hóa dân ca hò khoan Lệ Thủy” (diễn ra từ ngày 25 đến 27-3) tại Nhà Bát Giác, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội và chương trình “Quảng Bình trong câu hát” diễn ra trong hai ngày 26, 27-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hò khoan Lệ Thủy làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Quảng Bình.Những chương trình ấy không chỉ giống như cây cầu nối dài những điệu hò khoan Lệ Thủy, để bà con và du khách bốn phương khi chưa có dịp về cái nôi sinh ra điệu hò khoan có thể thưởng thức, vẫn có thể mê say những giai điệu Quảng Bình.
Để từ đó, một ngày không xa, sẽ tìm về Lệ Thủy, thưởng thức hò khoan trong những không gian diễn xướng thuần chất. Và cũng từ đó, sẽ lan tỏa hò khoan Lệ Thủy, để một ngày không xa, mong ước của bà con Quảng Bình là điệu hò khoan Lệ Thủy trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sớm thành hiện thực.
3. Theo ông Dương Ngọc Liên - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình): “Quảng Bình là mảnh đất có đủ loại hình văn học dân gian như truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại, dân ca, song nổi trội vẫn là dân ca, đặc biệt là hò khoan. Hò khoan có mặt ở mọi ngóc ngách của cuộc sống từ việc lớn đến việc nhỏ. Chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, giã vôi, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền… việc gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được”.
Còn ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, hò khoan Lệ Thủy là loại hình âm nhạc rất hấp dẫn, thu hút và ăn vào máu thịt của người Quảng Bình, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với người dân Quảng Bình.
Là loại hình dân ca của cư dân sông nước, hò khoan Lệ Thủy có đặc trưng sử dụng những lời ăn tiếng nói mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ nỗi lòng cũng như đối đáp. Thông thường các đội hò khoan thường được chia làm hai phe (nam nữ hoặc hai làng khác nhau) để thi đối đáp.
Ngày nay, hò khoan Lệ Thủy không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Lệ Thủy mà sức sống của di sản văn hóa phi vật thể này đã lan tỏa đến cả vùng Bình - Trị - Thiên.
Nét độc đáo hò khoan Lệ Thủy là một mình hò cũng được, 2 người càng hay, càng đông càng tốt. Khi chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái, nhiều người hò con thể hiện đủ mọi đề tài như: Hò thi nhau, hò trêu tức, hò đố. Hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí uyển chuyển linh hoạt.
Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sáng tác, vừa biểu diễn sáng tác khớp vào thời gian nhịp điệu, nó không có luật rõ nhưng với điều kiện phải đúng nhịp để ràng buộc. Trong cuộc hò khoan từ 2 người trở lên, ai cũng làm diễn viên, ai cũng khán giả. Giá trị của hò khoan Lệ Thủy đối với Quảng Bình cũng như Huế có hò mái nhì nổi tiếng, miền Nam có hò Đồng Tháp, Bắc Bộ có hò sông Mã…