THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 162
Số lượt truy cập: 13880160
QUẢNG CÁO
"Công - Dung - Ngôn - Hạnh" với người làm công tác dạy học 3/23/2010 7:35:04 PM
Thật ý nghĩa và nhân văn khi suốt một thế kỉ qua thế giới đã dành ngày 8/3 để tôn vinh người phụ nữ – một nửa của nhân loại. Mỗi chúng ta đều mong muốn có hạnh phúc, được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin mãnh liệt vào những điều kì diệu của cuộc sống.

Mỗi người phụ nữ đều mong muốn có được cái nhìn thiện cảm và trân trọng để mãi mãi toát lên sự ấm áp yêu thương. Nét đẹp của phụ nữ là lòng nhân ái, bao dung, sự vị tha, đức hy sinh, tần tảo, trí tuệ và nghị lực. Với người làm nghề dạy học, Cô giáo là người mẹ hiền tần tảo, say mê góp phần hình thành nhân cách của lớp lớp đàn con. Bởi vậy, chị em chúng ta phải biết nhìn nhận, điều chỉnh bản thân mình để ngày càng tiến bộ và hoàn thiện hơn. Để đạt được mục đích đó, chúng ta cùng kiểm nghiệm lại những gì đã đạt được và những gì chưa làm được, cần phải hướng tới, nỗ lực cố gắng đi đến thành công.

  Phụ nữ có truyền thống lịch sử vẻ vang, có những tiềm năng to lớn đối với gia đình và xã hội. Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Phụ nữ có khả năng ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Ngày xưa khi nói tới người phụ nữ, xã hội thường lấy Tứ đức làm chuẩn mực, đó là "Công, Dung, Ngôn, Hạnh" để đối chiếu, đánh giá phẩm chất của họ. Ngày nay, xã hội văn minh cần có nề nếp, kỷ cương phù hợp và những chuẩn mực đạo đức lành mạnh. Con người trong xã hội hiện đại cũng phải rèn luyện để có lối sống theo chuẩn mực đạo đức, kế thừa truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc. Vì vậy, "Công, Dung, Ngôn, Hạnh" đối với người phụ nữ thời nay vẫn là chuẩn mực đạo đức cần thiết nhưng cần được bổ sung thêm những nét mới. Đối với người làm nghề dạy học điều đó lại càng có vai trò quan trọng hơn!

 

CÔNG ở đây là người phụ nữ không thể chỉ khéo léo về nữ công gia chánh, đảm đang trong việc nội trợ, chăm lo cho gia đình mà còn phải có đầu óc tổ chức làm cho cuộc sống gia đình luôn hạnh phúc, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan. Ngoài ra phụ nữ còn là người lao động giỏi giang có nghề nghiệp ổn định. Mỗi người có thể thành công trong hầu hết mọi việc nếu bản thân có một lòng nhiệt tình vô hạn, với phụ nữ sự nổ lực phải tăng lên gấp bội. Công, cái tài của người phụ nữ ngày xưa, là cái tài “đối nội”, làm người nội trợ giỏi. Ông bà ta khi xưa rất xem trọng đức tính này. Người phụ nữ xưa phải biết tề gia nội trợ, may vá thêu thùa. Phải biết xây dựng tổ ấm với cơm ngon canh ngọt, chăm sóc chồng con.. Trong vai trò “đối nội”, người phụ nữ không chỉ đơn giản là biết lo cho cơm ngon canh ngọt, mà họ giờ đây còn là người quản gia tài ba trong việc chi tiêu, là thầy giáo trong việc phụ đạo con cái, là y tá khi gia đình có vấn đề sức khoẻ v.v… Để trở thành một người đa năng như vậy, người phụ nữ phải biết tự trau dồi tri thức, tự học hỏi và hoàn thiện mình. Ngoài việc phải đảm nhiệm vai trò “đối nội”, cái tài của người phụ nữ ngày nay còn là trọng trách “đối ngoại”. Sự nghiệp không còn chỉ giành cho nam giới. Người phụ nữ ngày nay phải khẳng định giá trị, khả năng của mình bằng sự nghiệp của chính mình. Khát vọng sự nghiệp của họ không đơn giản là thoát khỏi vòng cương tỏa gia đình để tìm một công ăn việc làm, mà hơn thế, còn là một vị trí nghề nghiệp được khẳng định có kỹ cương nề nếp, có tình thương, có trách nhiệm, có uy tín... Đó chính là cái đức Công của người phụ nữ hiện đại. Là người cô giáo, chúng ta hãy tự cố gắng hoàn thiện hai trọng trách nói trên!

 

DUNG là dung nhan. Phụ nữ là phái đẹp. Napoleon gọi phụ nữ là những bông hoa có linh hồn. Vì thế, chữ dung đối với phụ nữ rất quan trọng. Suốt cuộc đời, phụ nữ phải luôn chăm lo đến dung nhan của mình, không ăn mặc cẩu thả, không đầu bù tóc rối.“Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp mình”. Cái đẹp hình thể hiện nay cũng không phải là nét đẹp "yểu điệu thục nữ" mà là khỏe và đẹp. Khỏe để lao động tốt, để gìn giữ hạnh phúc gia đình và để sinh ra những đứa con thông minh khỏe mạnh. Tuy nhiên, cái đẹp từ tâm hồn còn hơn nhiều lần cái đẹp hình thức bên ngoài. Cô giáo là tấm gương để học sinh noi theo,góp phần làm cho nhân cách học sinh phát triển. Là Cô giáo, chúng ta hãy cố gắng tự điều chỉnh mình để có được cái nhìn thiện cảm và tôn trọng nhất trong ánh mắt học sinh, lúc đó việc giáo dục mới có hiệu quả.

 

NGÔN là lời nói. Nhiều người thắc mắc tại sao Khổng Tử lại để chữ Ngôn trước chữ Hạnh? Nhưng để như thế mới đúng. Lời nói không bao giờ chỉ đơn thuần là lời nói. Nó biểu hiện tâm hồn con người. Người nhân đức tiếng nói trong sáng, ấm áp. Người cay nghiệt, tiếng nói rin rít qua kẽ răng. Người đanh đá, tiếng nói the thé. Ngày xưa “Ngôn” là lời nói dịu dàng, có duyên. Ngày nay chữ “Ngôn” còn đòi hỏi người phụ nữ biết cách nói năng lịch thiệp, thẳng thắn, mạnh dạn, dám đấu tranh chống lại sự bất công, bất bình đẳng trong quan hệ gia đình và ngoài xã hội, luôn thể hiện được sự ứng xử thông minh, khéo léo và có kiến thức. Đối với người làm nghề dạy học một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hòa cho học sinh; một lời nói độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn; một lời nói đúng lúc có thể mang lại bình an; một lời nói yêu thương có thể đem lại niềm tin và tiếp thêm nghị lực phấn đấu. Và có những lời nói có thể cứu được một con người.

 

HẠNH là sự thể hiện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ: yêu chồng, thương con, giàu lòng nhân ái. Phẩm hạnh của người phụ nữ là sự chung thủy với chồng, có tình yêu chân thật và son sắt trong hôn nhân, không bị cám dỗ vào cuộc sống đua đòi, hưởng thụ thấp hèn. Người phụ nữ ngày nay phải là một công dân tốt, sống cần kiệm, có ước mơ, có lương tâm và hoài bão trong nghề nghiệp, biết hy sinh và có lòng vị tha, độ lượng. “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương” Vì vậy, việc chỉ trích một học sinh yếu kém về văn hóa hoặc cá biệt về đạo đức là việc làm không khó. Khó là ở chỗ vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào. Với yêu cầu “Trường học thân thiện”, người giáo viên biết khen ngợi một cách chân thành sẽ tạo nên tinh thần thân ái và nguồn động viên to lớn đối với học sinh. Đó là niềm vui khi các em được quan tâm, được công nhận và được yêu thương. Đó là nguồn động lực để học sinh tự nhiên sửa đổi những tính xấu và trở nên hoàn thiện mình hơn.

Ngày nay “Công-Dung-Ngôn-Hạnh” hòa quyện, kết hợp với nhau và trở thành chuẩn mực nhân cách của người phụ nữ. Để phấn đấu rèn luyện có được nhân cách ấy, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Cơ quan, đoàn thể, bản thân người phụ nữ cũng phải có nghị lực. Những đức tính tốt được phát triển và rèn luyện từ rất nhiều công sức và lòng quyết tâm. Tìm hiểu ý nghĩa của Tứ đức rồi vận dụng vào cuộc sống là trách nhiệm của người phụ nữ nói chung và người làm nghề dạy học nói riêng. Mong rằng, mỗi ngày mới sẽ có thêm thành công mới. Mong rằng, phụ nữ chúng ta được hưởng trọn niềm vui của những lời chúc tốt đẹp nhất! 

   

Mồng 8 tháng 3 năm 2010 - Hương Dương
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Đức Hiệp admin
Lê Đức Hiệp admin
Nguyễn Thị Nhung - QTM
Nguyễn Thị Nhung - QTM
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ DƯƠNG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882783 - Email: thcsduongthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com