Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ cấp THCS, năm học 2018 - 2019 vừa diễn ra vào sáng ngày 14/9, trong phần đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, đồng chí Võ Lê Anh - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Lệ Thủy có nhắc đến khái niệm “Công dân toàn cầu” với mong muốn thầy cô nên hướng để cho các em làm quen và ý thức được “nhiệm vụ” cao cả này. Vậy, để trả lời cho câu hỏi: Công dân toàn cầu nghĩa là gì? Vì sao nên trở thành Công dân toàn cầu? Và làm thế nào để trở thành Công dân toàn cầu? - Xin chia sẻ bài viết bổ ích này đến quý độc giả.
Với giáo dục hiện đại, Công dân toàn cầu dường như không còn là một khái niệm xa lạ, đó
cũng là khát vọng và mục tiêu hướng đến của giới trẻ Việt. Rất nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng cụm từ “Công dân toàn cầu” sẽ giúp con bạn thành công. Nó có sức lôi cuốn
phụ huynh cũng như giới trẻ Việt bởi một tương lai làm việc tại các công ty đa
quốc gia và ở khắp nơi trên thế giới.

Thực tế Công dân toàn cầu
không phải là một phong trào hay một lối sống, mà đó chính là trách nhiệm, là
khát vọng trở thành một phần của nhân loại và thay đổi thế giới. Để trở thành Công dân toàn cầu không có nghĩa là đánh
mất bản sắc văn hoá mà họ cần phải được rèn luyện từ lối sống, hành động, trách
nhiệm của công dân ở chính quê hương mình.
Vậy, Công dân toàn cầu nghĩa là gì?
Theo từ điển Wikipedia
tiếng Việt, Công dân toàn cầu là
những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác
nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch.
Hiện tượng xuất hiện khái niệm Công dân
toàn cầu đã làm thay đổi cơ bản mọi khái niệm và giá trị về biên giới, lãnh thổ, chính trị, văn hóa, quản lý nhà nước và
cả ngành tư pháp quốc tế.
Nói một cách nôm na, Công dân
toàn cầu (Global citizen, World citizen) là những người vượt được
ra khỏi “lũy tre làng”. Ngày xưa thì cái “luỹ tre làng” đó là những luỹ tre thực
sự ngăn cách làng này với làng kia, còn ngày nay thì hiểu theo nghĩa bóng, là
những biên giới hữu hình hay vô hình ngăn cách đất nước với thế giới và ngăn
cách các vùng miền trên thế giới với nhau.
Đi vào chi tiết hơn, khái niệm Công
dân toàn cầu có thể được hiểu theo hai cách khác nhau (tuy có những điểm
giống nhau): cách thực tế (như đang xảy ra) và cách lý tưởng - triết lý.
Về mặt lý tưởng - triết lý, “chủ nghĩa công dân toàn cầu” là đối
ngược lại của “chủ nghĩa quốc gia” (nationalism). Những người theo chủ nghĩa
này coi thế giới là đại đồng, không hề có sự phân biệt về chủng
tộc, quốc gia, biên giới, ai cũng như ai, một người ở Úc hay ở Syria thì
cũng đáng yêu như một người Việt, một người bị tù túng dù là ở đâu trên thế
giới cũng cần được cứu trợ, v.v…, thậm chí người ta cho rằng cần phải có một
đồng tiền chung cho toàn thế giới, phải xoá bỏ các đường biên giới, v.v…
Về mặt thực tế, những Công
dân toàn cầu là những người có ít nhất một vài trong số các tính chất sau:
đi lại nhiều nơi trên thế giới, có nhiều hơn một quốc tịch, tiếp xúc trực tiếp
thường xuyên với những người từ các nước khác nhau, có hiểu biết về văn hoá của
nhiều nước trên thế giới, có mức thu nhập ở tầm quốc tế, có ảnh hưởng hay đóng
góp đến nhiều nước, v.v…
Vì sao nên trở thành Công
dân toàn cầu?
Như đã nói, Công dân toàn
cầu không phải là một phong trào hay một lối sống, mà đó chính là trách
nhiệm, là khát vọng trở thành một phần của nhân loại và thay đổi thế giới.
Ở đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào khía cạnh lý tưởng - triết lý
về Công dân toàn cầu, mà đi vào khía
cạnh thực tế: những điểm hơn của một công dân toàn cầu thực tế so với những
người “chỉ ngồi sau luỹ tre làng”. Đó là:
- Đi lại tự do nhiều nơi trên thế giới
- Nói chuyện thoải mái được với người nước ngoài
- Thu nhập tầm cỡ quốc tế (ít ra gấp 10 lần trung bình của Việt
Nam)
- Hiểu biết về văn hoá thế giới
Những điều như trên thì ai mà chẳng muốn có, kể cả những người bảo
thủ nhất, có tình thần dân tộc chủ nghĩa cao nhất.
Vậy, làm sao để trở thành Công
dân toàn cầu?
Có những người sinh ra đã ở trong môi trường hết sức thuận lợi để
trở thành Công dân toàn cầu.
Ví dụ, nếu như 50 năm trước đây, Hàn Quốc và Việt Nam gần tương
đương với nhau về điều kiện kinh tế, thì ngày nay Hàn Quốc đã vượt xa Việt Nam.
Nếu bạn sinh ra là người Hàn Quốc, thì sẽ đi được đến 166 nước và vùng lãnh thổ
trên thế giới mà không cần visa (so với Việt Nam: 44), và thu nhập bình quân là
hơn 27 nghìn USD một năm (so với Việt Nam: chỉ hơn 2 nghìn USD), và chỉ cần
chịu khó học chút ngoại ngữ (mà ở trường dạy rất tốt) và quan tâm đến thế giới
là thành Công dân toàn cầu.
Nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu có ở Việt Nam, với mức thu
nhập còn cao hơn trung bình của Hàn Quốc, thì điều kiệu cho bạn trở thành Công dân toàn cầu là rất khả quan. Nhưng
nếu bạn là một học sinh của một gia đình bình thường (và hầu hết các học sinh
là trong hoàn cảnh này), thì bạn sẽ gặp rất nhiều trở ngại khách quan, và do
vậy cần phải có nhiều nỗ lực và đi đúng hướng để vươn lên thành công dân toàn
cầu.
Thứ nhất, bạn cần có được một nền giáo dục tốt, vì đó sẽ là
cánh cửa chính để cho bạn thoát khỏi luỹ tre làng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn
là một quốc gia đang phát triển, vì vậy,
để có thể trở thành một Công dân toàn cầu
trong tương lai, bạn phải nỗ lực hết mình trong học tập.
Thứ hai, du học nước ngoài là chuyện khá tốn kém nếu bạn phải tự
trang trải toàn bộ các phí (và gia đình của bạn có thể sẽ không gánh nổi). Như
vậy bạn cần tìm học bổng. Để có được học bổng, bạn cần chứng tỏ cho các trường
trên thế giới biết là bạn xứng đáng được học bổng.
Ai xứng đáng được học bổng? Đó là những học sinh có triển vọng học
tập tốt, làm rạng danh nhà trường. Tức là bạn phải chứng tỏ cho người ta thấy
triển vọng của bạn.
Làm sao để người ta đánh giá triển vọng học tập của bạn ra sao?
Người ta sẽ dùng một số tiêu chí cơ bản như:
- Khả năng về ngôn ngữ. (Là tiêu chí quan trọng nhất nhưng chưa
phải là tất cả)
- Kiến thức phổ thông nói chung (qua các test, ví dụ như SAT), đặc
biệt là khả năng về logic và Toán học.
- Các thành tích đặc biệt nếu có, và những điều thể hiện tính cách
của bạn (ví dụ như tham gia các cuộc thi quốc tế được giải, nổi trội trong các
hoạt động có chứng nhận).
- Sự giới thiệu của những người có uy tín cao đối với họ.
Tại sao người ta lại chủ yếu dùng Toán học (và các môn tự nhiên
khác như Tin học, Vật lý), chứ không phải Văn học hay Lịch sử để đánh giá bạn?
Lý do thứ nhất là, ở bậc phổ thông, Văn học và Lịch sử mang nặng tính địa
phương, còn Toán học luôn có tính toàn cầu. Đánh giá bằng kiến thức Lịch sử rất
khó, còn bằng Toán dễ hơn. Lý do thứ hai là, khả năng suy luận một cách có
logic, có cấu trúc thuật Toán (Toán - Tin học) là thứ mà học ngành nào cũng sẽ
cần.
Chính bởi vậy, tuy rằng điều này hơi đem lại bất công cho các môn
khác, nhưng trong các môn học thì môn Ngoại ngữ và môn Toán - Tin học chính là
hai môn quan trọng nhất giúp bạn có thể trở thành “học sinh toàn cầu”, và đó
chính là bệ phóng quan trọng nhất để trở thành công dân toàn cầu tương lai!
Tất nhiên, điều trên không có nghĩa là bạn chỉ nên học Toán - Tin
và Ngoại ngữ mà bỏ qua các thứ khác. Bạn vẫn cần các kiến thức văn hoá chung,
rèn luyện bản thân để trở thành một con người tử tế, đáng tin cậy, có nền tảng
văn hoá cơ bản tốt. Khi đó đi đâu bạn cũng sẽ được
chấp nhận.
Nếu
không xét tới mặt chính trị, các Công dân
toàn cầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhờ lượng kiến thức và
kinh nghiệm họ tích luỹ được khi sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia và
nhiều nền văn hoá khác nhau. Ví dụ, một doanh nhân thường xuyên đến nhiều quốc
gia khác nhau để làm việc thì có thể tận dụng những hiểu biết và kinh nghiệm
của mình (có được khi làm việc tại nhiều quốc gia) về nguồn tài nguyên, nhân
lực, sản phẩm, thị trường,... ở nhiều quốc gia khác nhau để nâng cao hiệu quả
kinh doanh của mình. Một ví dụ khác là một Công
dân toàn cầu có thể kết hợp các hiểu biết về nhiều nền văn hoá khác nhau để
tạo nên các cầu nối giữa kiến thức, và nhờ đó tạo nên giá trị đóng góp cho xã
hội.
Một điều rất quan trọng đặt ra là: Trước
khi trở thành Công dân toàn cầu - bạn chính là công dân Việt Nam! Điều này có nghĩa là để trở thành một Công dân toàn cầu thực
thụ, bạn trước hết phải đảm bảo tư cách công dân của chính bản thân mình. Và
khi bạn đã trở thành một Công dân toàn
cầu thì không được đánh mất đi bản sắc văn hoá dân tộc mà cần phải tiếp tục
rèn luyện từ lối sống, hành động, trách nhiệm của công dân ngay ở chính quê
hương mình.